Chúng ta so sánh Lân thông thường (Phosphat) và Lân hai chiều (Phoshite)
_____
LÂN THÔNG THƯỜNG (phốt phát)
Nó là các loại lân mà đó giờ bà con vẫn quen dùng. Đó là lân có trong các bao phân super lân, lân nung chảy, phân DAP, phân MAP hoặc lân có chứa trong các bao phân NPK , có trong phân bón lá thông thường đều là lân phốt-phát.
Cứ cây cần lân thì chúng ta bón gốc hoặc phun lá loại lân thông thường này.
LÂN HAI CHIỀU (phốt phít)
Chuyện bắt đầu rối khi bà con nghe nói tới loại lân này và nó lại còn có thể trị bệnh nữa. Ủa vậy thì nó là phân bón hay là thuốc trị bệnh đây ?
Lân hai chiều không phải là cái gì đó mới đâu.
Hãy quay về lịch sử những năm 1930, lúc này các nhà khoa học đã thí nghiệm trồng cây trên vùng đất thiếu lân và bón lân hai chiều cho nó và kết quả là không xi nhê vào đâu cả. Cây vẫn thiếu lân và năng suất kém cho nên lân hai chiều không được coi là một loại phân bón chứa lân hữu dụng cho cây trồng. Chính vì vậy lân hai chiều bị ra rìa, không được người ta quan tâm, cũng không có chỗ đứng trên thị trường phân bón lúc bấy giờ.
Rồi 40 năm sau, người ta phát hiện ra lân hai chiều lại rất hiệu quả trong việc diệt các chủng nấm Oomycete (như nấm phythopthora, pythium – gây xì mủ, thối rễ trên nhiều loại cây trồng) nên lân hai chiều bắt đầu trở lại thị trường và trở thành một phần quan trọng trong canh tác nông nghiệp cho tới ngày nay. Cty khai sinh ra mảng này chính là Bayer Cropscience với sản phẩm nổi tiếng Aliette. Sản phẩm đăng ký lưu hành là thuốc trừ nấm bệnh.
Vậy là cứ gốc lân hai chiều (phosphite) là có tác dụng diệt nấm.
Ban đầu khi vào thị trường, để đăng ký là thuốc trừ nấm thì phải đăng ký giấy phép sản xuất, đăng ký hoạt chất rất tốn chi phí và thời gian nên các nhà sản xuất đã đóng gói sản phẩm chứa lân hai chiều dưới giấy phép lưu hành là phân bón cho cây trồng. Điều này xảy ra cả với các nước Châu Âu chứ không chỉ ở Việt Nam.
Các sản phẩm chứa lân hai chiều phổ biến mà bà con hay thấy đó là : Lân 86, Agriphos 400, Aliette, … tất cả đều chứa lân ở dạng phosphite.
CÂY KHÔNG HẤP THỤ ĐƯỢC LÂN HAI CHIỀU !
Một điểm lưu ý là cây không hấp thụ được dạng lân này một cách trực tiếp, nó phải chuyển từ PO3 thành PO4 thì cây mới dùng được. Quá trình này hầu như không xảy ra trong cây. Trong đất thì diễn ra thông qua hoạt động vi sinh vật nhưng rất là chậm.
Tóm lại : cây cần lân thì bón các loại lân thông thường, lân hai chiều không ăn thua !
TẠI SAO LẠI DÙNG LÂN 86 TẠO MẦM ?
LÂN 86 là sao ?
là sản phẩm chứa lân hai chiều.
là sản phẩm dùng nguyên liệu axít phốt pho rơ làm nguyên liệu chính , hàm lượng lân (P2O5) nó tới 86%. Cực kì cao luôn!
Dù là lân thường hay lân hai chiều thì khi phân tích hàm lượng lân, kết quả điều biểu hiện ở dạng P2O5 cho nên nhiều cty đã chọn nguyên liệu như trên để con số cho nó hoành tráng.
Vậy nếu lân hai chiều cây không dùng được thì tại sao dùng lân 86 để tạo mầm ? Khi dùng lân 86 phun lên lá bà con sẽ thấy lá sẽ rất nhanh bạc (nó là acid nên phá hủy diệp lục tố), cây khô lá, xào lá …. Chính điều này sẽ làm cây chuyển pha từ sinh trưởng cành lá sang pha ra hoa, ra quả dễ hơn (đặc biệt là cây sung) chứ không phải hàm lượng lân cao giúp cây tạo mầm dễ đâu.
TÓM LẠI
– Cây không hấp thụ được lân hai chiều . Nếu cần bón lân cho cây thì bón lân thông thường.
– Lân hai chiều chỉ có tác dụng phòng và trị bệnh.
– Không nên dùng Lân 86 để tạo mầm (đặc biệt là cây suy, giàn lá yếu). Thay vào đó nên dùng MKP để tạo mầm.
“Bảy sầu riêng”